Nâng xoang kín là phương pháp hỗ trợ tăng chiều cao xương hàm cho người bị mất răng lâu năm dẫn đến vùng xoang hàm trên bị trũng xuống. Đồng thời, kỹ thuật này còn giúp ngăn chặn trụ implant tác động làm tổn thương xoang hàm người bệnh. Để biết thông tin chi tiết hơn, các bạn hãy đón đọc ngay nội dung bài viết dưới đây nhé.
1. Nâng xoang kín là gì? Có ý nghĩa gì trong việc cấy ghép implant
Với công nghệ hiện đại ngày nay, quá trình nâng xoang được thực hiện một cách nhanh chóng, an toàn và không cắt rạch trên da nên ít đau đớn. Đặc biệt, hạn chế tối đa các biến chứng do phẫu thuật gây ra cho người bệnh.
1.1. Khái niệm
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến khái niệm nâng xoang nhưng vẫn chưa hiểu rõ nâng xoang kín là gì? Thực chất, đây là một thủ thuật y khoa giúp làm tăng thể tích xương và đủ điều kiện về chiều cao, mật độ cũng như thể tích để đảm bảo quá trình đặt trụ implant vào vùng thiếu xương tại vị trí mất răng kết quả tốt nhất.
Ngoài ra, việc nâng xoang còn hỗ trợ trụ implant được nâng đỡ một cách chắc chắn. Từ đó, giúp người mất răng lâu năm có thể thực hiện ca trồng răng Implant và phục hồi chức năng ăn nhai gần giống răng thật.
1.2. Đặc điểm nổi bật của nâng xoang kín
Kỹ thuật này thường được thực hiện song song với quá trình cấy trụ implant. Vì nâng xoang bên trong ít xâm lấn nên hạn chế tối đa cảm giác sưng đau, đồng thời giảm thiểu rủi ro thất bại cũng như nguy cơ xảy ra các biến chứng của ca cấy ghép implant.
Việc nâng xoang từ bên trong sẽ giúp người bệnh rút ngắn thời gian chờ đợi và có thể nhanh chóng tiến hành cấy implant. Kỹ thuật này còn cho phép bạn lựa chọn kích thước và đường kính implant lớn hơn để tăng độ bền cũng như tính ổn định.
2. Những trường hợp nào cần nâng xoang kín?
Phương pháp nâng xoang kín thường áp dụng khi khoảng xoang hàm người bệnh bị tụt sâu. Ngoài ra, kỹ thuật này được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân mất răng lâu năm dẫn đến không đủ chiều cao và độ dày để cấy ghép implant. Nâng xoang sẽ giúp tăng chiều cao xương cũng như tạo môi trường ổn định và tỷ lệ thành công của implant sau này.
- Tiêu xương do bệnh nhân sử dụng hàm tháo lắp hoặc cầu răng sứ trong thời gian dài.
- Bệnh nhân bị nha chu (bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng).
- Xương hàm của bệnh nhân quá mỏng, không đủ khả năng giữ trụ Implant ổn định trên xương, trong khi xoang hàm lại nằm khá sát với xương hàm trên.
3. Quy trình nâng xoang trong diễn ra như thế nào?
Việc hiểu và nắm vững quy trình thực hiện kỹ thuật nâng xoang kín giúp bạn cảm thấy an tâm và bớt lo lắng hơn. Thông thường, phương pháp này sẽ trải qua các bước sau đây:
- Bước 1: Thăm khám và chụp CT Cone Beam để đánh giá mức độ tiêu xương
Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra và thăm khám tổng quát tình trạng sức khỏe răng miệng của bệnh nhân. Sau đó, tiến hành chụp CT 3D Cone Beam để xác định mức độ xoang hàm hạ thấp cũng như lượng xương cần ghép là bao nhiêu và vị trí ghép.
- Bước 2: Sát khuẩn, gây tê và tiến hành mở đường chân răng
Tiếp theo, Bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh khoang miệng sạch sẽ. Đồng thời, gây tê tại vị trí cần cấy ghép để giảm cảm giác đau trong quá trình nâng xoang cho bệnh nhân. Sau khi sát khuẩn và gây tê, bác sĩ sẽ mở một đường nhỏ với dưới chân răng. Mục đích của việc làm này là tạo điều kiện để cho các dụng cụ y tế dễ dàng tiếp xúc được với đáy xoang và thực hiện các thao tác tiếp theo.
- Bước 3: Nâng xoang hàm lên bằng ống đẩy chuyên dụng.
Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống đẩy chuyên dụng để nâng xoang hàm lên cao, điều này giúp quá trình ghép xương diễn ra thuận lợi hơn.
- Bước 4: Tiến hành ghép xương răng nhân tạo
Sau khi nâng xoang, xương nhân tạo sẽ được bơm vào bên trong. Việc ghép xương sẽ giúp cho mật độ tại vùng xương hàm được dày và chắc khỏe hơn, đáp ứng điều kiện trồng răng implant
- Bước 5: Khâu vạt nướu bằng chỉ tự tiêu
Sau khi đã hoàn thành bước nâng xoang bằng cách bơm vật liệu nâng đỡ phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành đặt trụ implant vào để tích hợp với bột xương nhân tạo. Cuối cùng là khâu kín vết mổ để giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh, thay băng vết mổ đúng cách hàng ngày. Bạn cần tuân thủ các chỉ dẫn hậu phẫu để đảm bảo quá trình phục hồi nhanh chóng và tránh nhiễm trùng cũng như những biến chứng có thể xảy ra.
4. Cần lưu ý gì sau khi nâng xoang kín?
Mặc dù, nâng xoang kín không cần phải phẫu thuật nhiều nhưng người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống cũng như chăm sóc răng miệng đúng cách. Điều này sẽ giúp vết thương của bạn trở nên mau lành và ổn định hơn.
Những điều nên làm
Sau khi nâng xoang hàm, trong những ngày đầu bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hạn chế thức khuya. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý thực hiện những điều sau:
- Bạn nên sử dụng gối bông mềm để ngủ
- Vệ sinh răng miệng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và dùng nước muối hoặc nước súc miệng hàng ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Bạn chỉ nên ăn những loại thức ăn mềm, chứa nhiều vitamin, canxi và khoáng chất để vết thương nhanh hồi phục.
- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và thăm khám đúng lịch hẹn.
Những điều không nên làm
Trong khoảng 2 – 3 tháng đầu sau khi thực hiện nâng xoang, bạn cần hạn chế tối đa việc hắt hơi hay hắt hơi quá mạnh. Đồng thời nên tránh những việc làm sau đây:
- Không nên sử dụng ống hút hay khạc nhổ, vì điều này sẽ vô tình tạo áp lực lớn lên vết thương.
- Bạn cần hạn chế đến những nơi dễ bị thay đổi áp suất như: đi máy bay, lặn biển, làm công việc nặng nhọc,..
- Hạn chế tham gia các hoạt động thể chất để tránh nguy cơ làm tổn thương màng xoang.
- Không nên nằm nghiêng mặt quá lâu khi ngủ và không nên ăn những đồ quá cứng, quá dai để tránh làm nhiễm trùng vết thương.
5. Những trường hợp chống chỉ định đối với nâng xoang kín
Không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện kỹ thuật nâng xoang kín mà phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện sức khỏe hay bệnh lý liên quan. Dưới đây là những trường hợp chống chỉ định nâng xoang từ bên trong:
- Người bệnh chưa đủ 18 tuổi, bởi lúc này xương hàm chưa ổn định.
- Người bị viêm xoang hoặc mắc các bệnh lý về xoang phải được điều trị dứt điểm trước khi nâng xoang.
- Người có khoảng liên hàm không đủ để thực hiện trồng implant.
- Người bị mắc các bệnh liên quan tới tim mạch, hô hấp hay tiểu đường cần phải kiểm tra và xem xét cẩn thận trước khi quyết định nâng xoang.
- Người có sức khỏe tinh thần không ổn định, thiếu tỉnh táo hoặc sử dụng rượu bia, chất kích thích trước khi cấy ghép.
Có thể bạn quan tâm:
- Abutment implant là gì? Đặc điểm, cấu tạo và phân loại
- Dấu hiệu trụ implant bị đào thải và phương án khắc phục
- Trồng răng implant có nguy hiểm không? Cần lưu ý những gì?
Thông thường, người bệnh sẽ mất khoảng 2 tháng để phục hồi chức năng xương hàm sau khi nâng xoang kín. Trong thời gian này, bạn hãy cố gắng thực hiện đúng theo lời dặn của bác sĩ và lưu ý ở trên để có được cơ xương hàm như ý nhé.